Ứng dụng Dysprosi

Dysprosi được sử dụng, kết hợp với vanadi và các nguyên tố khác, để chế tạo vật liệu laser. Do tiết diện hấp thụ nơtron nhiệt cao của dysprosi, các cermet của oxit dysprosi-niken được sử dụng trong các thanh kiểm soát hấp thụ nơtron của các lò phản ứng hạt nhân[17]. Các chalcogen dysprosi-cadimi là nguồn bức xạ hồng ngoại hữu ích trong nghiên cứu các phản ứng hóa học[1]. Do dysprosi và các hợp chất của nó có độ cảm từ cao nên chúng được sử dụng trong nhiều loại thiết bị lưu trữ dữ liệu, như trong các đĩa CD[18].

Các nam châm neodymi-sắt-bo có thể chứa tới 6% neodymi được thay thế bằng dysprosi[19] để nâng cao độ kháng từ cho các ứng dụng có nhu cầu như các động cơ dẫn lái cho các dạng xe điện lai ghép. Sự thay thế này có thể đòi hỏi tới 100 gam dysprosi trên mỗi chiếc xe điện lai ghép được sản xuất. Chỉ dựa trên mỗi dự án của Toyota với công suất 2 triệu chiếc mỗi năm, thì việc sử dụng dysprosi trong những ứng dụng như vậy đã có thể nhanh chóng làm cạn kiệt nguồn cung cấp kim loại này[20]. Sự thay thế bằng dysprosi cũng có thể là hữu ích trong các ứng dụng khác, do nó cải thiện khả năng kháng ăn mòn của nam châm[21].

Dysprosi là một trong các thành phần của Terfenol-D, cùng với sắt và terbi. Ở nhiệt độ phòng, Terfenol-D có độ kháng từ cao nhất trong số các vật liệu đã biết[22], tính chất này được sử dụng trong các máy biến năng, các thiết bị cộng hưởng cơ học phổ rộng[23] và các kim phun nhiên liệu lỏng độ chính xác cao[24].

Dysprosi được sử dụng trong các máy đo liều lượng để đo đạc lượng bức xạ ion hóa. Các tinh thể canxi florua hay canxi clorua được kích thích bằng dysprosi. Khi các tinh thể này được đặt vào trong nguồn bức xạ, các nguyên tử dysprosi bị kích hoạt và phát sáng. Sự phát quang này có thể đo đạc được để xác định mức độ phơi nhiễm mà thiết bị đo liều lượng đang hứng chịu[3].

Các sợi nano chứa các hợp chất của dysprosi có diện tích bề mặt lớn và sức bền cao; vì thế, chúng có thể được sử dụng để gia cố các vật liệu khác và làm chất xúc tác. Các sợi dysprosi(III) oxit hay dysprosi(III) florua có thể tạo ra bằng cách đốt nóng dung dịch lỏng chứa DyBrNaF tới 450 °C ở áp suất 450 barơ trong 17 giờ. Vật liệu này có độ bền đáng kể, tồn tại trên 100 giờ trong các dung dịch lỏng khác nhau ở nhiệt độ trên 400 °C mà không bị hòa tan hay bị kết tập[25][26][27].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Dysprosi http://www.britannica.com/EBchecked/topic/175314 http://www.espi-metals.com/msds's/Dysprosium%20Chl... http://www.espi-metals.com/msds's/Dysprosium%20Flu... http://www.espi-metals.com/msds's/Dysprosium%20Oxi... http://www.espi-metals.com/msds's/Dysprosium.htm http://etrema-usa.com/core/terfenold/ http://books.google.com/books?id=F0Bte_XhzoAC http://books.google.com/books?id=Xqj-TTzkvTEC&pg=P... http://www.lenntech.com/Periodic-chart-elements/Dy... http://www.magnetweb.com/Col05.htm